Cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan vụ tàu thép rỉ sét

Thứ năm, 29/06/2017 10:52
(ĐCSVN) – Mới đây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã có cuộc họp với các bên liên quan để công bố kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định về sự cố hàng chục tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng tại Bình Định.

Theo đó, trong 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng tại Bình Định thì 5 tàu cá do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 12 tàu cá do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng.

Kết quả thẩm định cho thấy, việc đóng tàu có sai lệch về chất liệu thép như: Theo giấy tờ là đóng thép Hàn Quốc, nhưng thực tế là thép Trung Quốc. Chủng loại và ký hiệu máy không đúng với hồ sơ. Một số chi tiết của tàu bị gia công và lắp đặt thiếu đồng bộ. Thiết bị của một số tàu hoạt động không ổn định. Nhiều thiết bị khác lắp đặt trên tàu không đúng trong hợp đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thành.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thành, ở xã biển Đông Minh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) bày tỏ quan điểm: Tôi được biết, Nghị định 67 (NĐ67) của Chính phủ ban hành về một số chính sách phát triển thủy sản là một chủ trương lớn đối với ngư dân trong việc khai thác thủy, hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ. Nhờ chủ trương này, ngư dân có điều kiện để cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu có công suất cao, vươn khơi bám biển. Vậy nhưng ước mơ vươn khơi vẫn chưa kịp thành hiện thực vì những trò làm ăn gian dối, thiếu đạo đức của các doanh nghiệp đóng tàu. Việc cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều máy tàu không chính hãng, thậm chí máy móc không có nhãn mác, nhiều thiết bị khác không đúng hợp đồng cho thấy phía doanh nghiệp làm ăn rất thiếu lương tâm. Họ không chỉ đẩy những ngư dân vào thế nguy hiểm khi ra khơi trên những con tàu không đảm bảo an toàn kỹ thuật, mà còn khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất với số tiền hàng chục tỷ đồng.

"Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải ráo riết vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, xử lý vụ việc thật nghiêm minh, tránh tình trạng tương tự có thể tái diễn. Bởi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, đã làm mất lòng tin của một bộ phận ngư dân, ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín một chủ trương lớn của Nhà nước" - ông Nguyễn Hữu Thành nhấn mạnh.

Anh Lê Đức Thắng, ở thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết: "Những sai sót trong vụ việc đóng tàu theo NĐ67 đã được cơ quan chức năng công bố khá rõ ràng. Tôi có một thắc mắc lớn rằng, là đơn vị đăng kiểm với đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ, tại sao lại để hàng chục con tàu không đạt chuẩn “qua mặt” được? Việc những lỗi sơ đẳng không nói, nhưng việc thiết bị không đồng bộ, thép “dởm”, máy “dởm” nếu so vào hồ sơ gốc, cơ quan đăng kiểm sẽ phát hiện ra ngay. Trong sự việc này, tôi thấy lỗi của cơ quan đăng kiểm là rất lớn. Đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét thấu đáo khía cạnh này, bởi nó đang có dấu hiệu tiêu cực, bộc lộ nghi vấn có hay không việc “bắt tay” giữa doanh nghiệp đóng tàu và các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm duyệt chất lượng và để xảy ra hàng loạt các sai sót có thể nói là “động trời” trong chủ trương tàu vỏ thép".

Anh Lê Đức Thắng.


“Qua các phương tiện truyền thông, tôi nắm được có thông tin cho rằng, có một số ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu đã “chỉ định” luôn đơn vị đóng tàu thép. Tôi thấy đây là hành vi khó có thể chấp nhận, bởi việc này chẳng khác nào khiến ngư dân phải bất đắc dĩ bắt tay với những doanh nghiệp làm ăn kém uy tín nhưng bằng sự "chạy chọt" để có được các hợp đồng đóng tàu. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, làm sáng tỏ các thông tin này, bởi nếu việc trên có cơ sở thì tiêu cực chính là đây chứ phải xác minh ở đâu” – anh Lê Đức Thắng cho biết thêm.

Anh Chu Văn Tiến, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) nhận định: Có thể thấy, chủ trương triển khai đóng mới tàu cá vỏ thép theo NĐ67 là một chủ trương lớn và đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên đã gặp bất cập ở khâu triển khai. Theo tôi, để khắc phục hậu quả trước mắt, các cơ sở đóng tàu và các bên liên quan nếu gây thiệt hại cho ngư dân thì phải bồi hoàn, khắc phục theo quy định, chứ không để ngư dân thiệt thòi. Kể cả việc ngư dân không đi biển được thì những tổn thất đó cũng phải tính toán. Các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm với những hậu quả mà họ gây ra.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp đánh giá tổng thể lại năng lực của các cơ sở đóng tàu hiện nay. Cụ thể, cần khảo sát, đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của các cơ sở đóng tàu và công bố kết quả công khai cho các đơn vị có liên quan biết để tư vấn cho ngư dân, tránh tình trạng ngư dân thiếu thông tin khi lựa chọn cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng tàu không đạt yêu cầu, vừa tốn chi phí đầu tư, vừa mất thời gian sửa chữa như sự vụ vừa qua. Đồng thời, trong một số trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng cần mạnh tay cho đình chỉ hoạt động các cơ sở đóng tàu thiếu đạo đức kinh doanh, gây tai tiếng.

Anh Chu Văn Tiến.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) có ý kiến: Tôi thấy đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan điều tra cần truy tố các tổ chức, cá nhân liên quan. Người dân cần sớm khởi kiện vụ việc ra tòa nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp.

Cụ thể, các ngư dân có tàu đóng mới bị đánh tráo vật liệu thép có thể làm đơn khởi kiện Cty TNHH Đại Nguyên Dương, đồng thời đề nghị Công an tỉnh Bình Định lập hồ sơ báo cáo Bộ Công an truy cứu trách nhiệm đối với đơn vị đóng tàu này.

Tổng hợp từ các tình tiết và theo dõi diễn biến của vụ việc, tôi thấy ở đây phía doanh nghiệp đóng tàu có dấu hiệu phạm tội “lừa dối khách hàng”.

Luật sư Phạm Thanh Tùng phân tích, nếu Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp máy không chính hãng, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) tự ý thay thế thép Hàn/Nhật sang thép Trung Quốc để đóng tàu mà không được chủ tàu đồng ý thì họ có dấu hiệu phạm tội “lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự...

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực