Thái Bình: Đến tháng 8/2017 sẽ xóa bỏ toàn bộ 64 lò vôi tại khu vực Cầu Nghìn

Thứ bảy, 07/01/2017 20:00
(ĐCSVN) – Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 3942, ngày 26/12/2016 phê duyệt Đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực Cầu Nghìn, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Thái Bình: Giải pháp nào khắc phục tình trạng ô nhiễm ở "thủ phủ" sản xuất vôi Cầu Nghìn?

Theo quyết định trên, toàn bộ 64 lò sản xuất vôi tại đây sẽ phải phá bỏ hoàn toàn để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân, đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Hóa và hành lang an toàn giao thông cầu, QL 10 khu vực Cầu Nghìn.

Theo đó, trong lộ trình từ tháng 1 - tháng 8/2017 toàn bộ 64 lò vôi (của 30 hộ dân) với 115 ruột lò (ống lò) trên tổng diện tích hơn 108.000 m2 sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn.

Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng gần 60 tỷ đồng lấy từ ngân sách tỉnh Thái Bình. Trong đó, chi phí hỗ trợ cho các chủ lò vôi là gần 51 tỷ đồng, còn lại là kinh phí hỗ trợ người lao động, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng và các khoản chi khác.

Mức hỗ trợ tối đa việc hỗ trợ thực hiện công tác tháo dỡ lò vôi, vận chuyển phế thải đến nơi đúng quy định cho chủ lò mức tối đa là 440 triệu đồng/1 ruột lò, thấp nhất là 264 triệu đồng/1 ruột lò (tùy theo việc chủ lò thực hiện sớm hay muộn trong thời gian quy định). Nếu sau tháng 8/2017, chủ lò vôi mới thực hiện tháo dỡ thì sẽ không nhận được hỗ trợ.

Một góc ở "thủ phủ" sản xuất vôi Cầu Nghìn.

Đối với người lao động, kinh phí hỗ trợ được tính theo mức lương thực và quy đổi thành tiền, cụ thể: Lao động thường xuyên được hỗ trợ 6 tháng lương thực, mức hỗ trợ 20kg gạo/1 lao động/tháng (gần 1,6 triệu/người); Lao động không thường xuyên được hỗ trợ 4 tháng lương thực, mức hỗ trợ 20kg gạo/1 lao động/tháng (gần 1,1 triệu đồng/người).

Tổng kinh phí hỗ trợ người lao động (hơn 1.550 người) trên 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…

Hiện nay, phần lớn chủ lò và người lao động ở khu vực Cầu Nghìn đồng thuận với mức hỗ trợ tỉnh phê duyệt. Nhưng cũng có một số chủ lò và người lao động tiếp tục đề nghị xem xét và điều chỉnh tăng mức hỗ trợ vì vốn xây dựng lò vôi đều dao động từ một đến hai tỷ đồng/lò, chưa kể mua máy móc, trang thiết bị sản xuất và vốn lưu động mua nguyên, vật liệu than, đá…

Ngày 6/1/2017 những hộ dân đầu tiên ở khu vực Cầu Nghìn đã tự nguyện tháo dỡ các lò vôi thủ công 
nhiều năm gây ô nhiễm môi trường.

Được biết, trong ngày 6/1/2017 những hộ dân đầu tiên ở khu vực Cầu Nghìn, đã tự nguyện tháo dỡ các lò vôi thủ công nhiều năm gây ô nhiễm môi trường. Công việc tháo dỡ lò vôi đã được cơ quan chức năng, lực lượng chuyên môn phối hợp triển khai bằng các trang thiết bị hỗ trợ, máy móc chuyên dụng. Theo chính quyền huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), trong tháng 1/2017 dự kiến sẽ tháo dỡ từ 10-15 lò vôi.

Trước đó ngày 11/05/2016, trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài “Thái Bình: Giải pháp nào khắc phục tình trạng ô nhiễm ở “thủ phủ” sản xuất vôi Cầu Nghìn?” phản ánh về việc nhiều năm qua, người dân Cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, khí phát thải từ các lò nung vôi ngay sát khu dân cư. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật nếu như vấn đề môi trường không được giải quyết…/.

 

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực