Lùi xe trên đường cao tốc gây tai nạn xử lý thế nào?

Thứ năm, 20/09/2018 12:05

(ĐCSVN) - Dừng xe, lùi xe tùy tiện khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, bởi đa số các phương tiện lưu thông tham gia với tốc độ cao. Đã có những vụ tai nạn thương tâm do hành vi dừng xe trên đường cao tốc gây ra. Tình trạng trên đang rung lên hồi chuông cảnh báo. Vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi lùi xe, dừng xe trên cao tốc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý thế nào?

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 10 người thương vong
do hành vi lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên năm 2016. (Ảnh: Báo Dân trí)

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Luật sư Hải phân tích: Hành vi lùi xe, đi xe, dừng đỗ xe, đi sai làn đường trên đường cao tốc không đúng quy định sẽ bị áp dụng các hình thức sau: (1) áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, (2) hậu quả pháp lý xảy ra khi không tuân thủ các quy định của pháp luật và (3) các chế tài áp dụng cho các hành vi vi phạm nêu trên.

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính:

Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc, khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định: Mức xử phạt hành chính là từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định: Mức phạt hành chính là từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu không tuân thủ các quy định khi ra hoặc vào đường cao tốc, điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc, quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc, chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy xe trên đường cao tốc, không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.

Ngoài hình thức phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung, tùy từng mức độ vi phạm, hình phạt bổ sung còn được áp dụng như: tịch thu giấy phép lái xe trong một khoảng thời gian nhất định.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.

Thứ hai, với trường hợp lùi xe trên đường cao tốc sẽ vi phạm pháp luật như thế nào?

Trước hết, chúng ta cần phải xác định rằng việc lùi xe trên đường cao tốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 16 Luật giao thông đường bộ. Khoản 2, Điều 16 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng… trên đường cao tốc”.

Hành vi lùi xe trên đường cao tốc sẽ gây nguy hại cho người và các phương tiện khác khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Trên thực tế, có một số trường hợp lùi xe trên đường cao tốc gây ra hậu quả rất thương tâm, làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của con người. Do vậy, hành vi nguy hiểm này cần phải có các chế tài đủ sức răn đe thì mới có thể hạn chế được hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải. (Ảnh: KC)

Thứ ba, việc lùi xe trên đường cao tốc gây hậu quả tai nạn nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý như thế nào?

+ Ở góc độ dân sự: Tùy vào tính chất, mức độ của vụ án để xác định trách nhiệm dân sự. Giả định, khi lùi xe trên đường cao tốc, người gây hậu quả là người có đầy đủ năng lực dân sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, gây hậu quả làm bị thương hoặc chết người thì căn cứ vào điều kiện thực tế của từng người để tính mức bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, bồi thường thiệt hại được tính như sau:

(1) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì mức bồi thường sẽ bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi thường, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài mức bồi thường nêu trên, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải chịu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

(2) Điều 591 Bộ luật Dân sự quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thì mức bồi thường như sau: Ngoài các mức bồi thường nêu tại mục (1) thì người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường thêm: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài mức bồi thường nêu trên, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải  bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại... Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

+ Ở góc độ hình sự: Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ án để xác định trách nhiệm về mặt hình sự. Như giả định nêu trên, nếu làm chết người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì tội danh ở đây sẽ được áp dụng theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 (bảy) năm đến 15 (mười năm) năm"./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực