Hải Phòng: Vụ chặt phá vườn chuối có dấu hiệu hủy hoại tài sản

Thứ tư, 24/05/2017 09:06
(ĐCSVN) - Đó là nhận định của luật sư về vụ việc chặt phá vườn chuối hơn 2.200 cây tại Hải Phòng gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Vườn chuối hàng ngàn cây của ông Quân bị chặt phá tan hoang. (Ảnh: Lê Tân)

.
Ngày 15/5, ông Phạm Văn Quân, 58 tuổi, trú tại thôn 2 Thái Lai, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) có đến trình báo với Công an TP. Hải Phòng về việc vườn chuối hơn 2.200 cây, trong đó có khoảng 800 cây có buồng chuẩn bị thu hoạch đã bị 1 nhóm đối tượng cầm dao kiếm đến chặt phá. Sau khi đến hiện trường, Công an đã mời những người liên quan về UBND xã Cao Nhân lấy lời khai rồi bàn giao cho địa phương quản lý.

Theo kết quả xác minh ban đầu của cơ quan điều tra, người chủ ý làm việc này được xác định là ông Đỗ Văn Chí, Giám đốc Công ty Chí Linh, ngụ xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). 

Chia sẻ trên báo chí, ông Đỗ Văn Chí cho biết, mảnh đất mà ông Quân trồng chuối thuộc quyền sở hữu của mình và có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Theo ông Chí, từ sau năm 2008, huyện Thủy Nguyên đã giao mảnh đất trên cho Công ty Chí Linh mà ông Chí làm giám đốc. Tuy nhiên, do công ty không hoạt động nên ông Phạm Văn Quân, người có cổ phần trong công ty trông coi và trồng chuối. Khi công ty có dự án và muốn lấy lại đất, ông Quân đã không trả mà còn trồng thêm chuối. Việc tranh chấp này đã được báo lên chính quyền xã nhưng chưa được giải quyết.

Ông Chí khẳng định đã nhiều lần nói chuyện với ông Quân và thông báo cả bằng văn bản về việc lấy đất nhưng ông Quân không đồng ý. Do vậy, ngày 1/4/2017, ông Chí ủy quyền cho ông Đỗ Hữu Mạnh (44 tuổi, ngụ xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, là nhân viên Công ty Chí Linh) thuê người dọn dẹp mặt bằng. Đến 2 giờ ngày 15/5, ông Mạnh cùng một số người được thuê đã dùng dao phay, gậy gỗ chặt chuối để dọn dẹp mặt bằng trên thửa đất nói trên...

Liên quan đến vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý Luật sư Phạm Thanh Tùng,  Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích:

Về hành vi ông Quân chồng chuối trên đất của người khác, ở đây chúng ta chưa cần xét đến hành vi cố tình hay không cố tình, hay đất đó là của ai, được sự đồng ý hay không, mà việc xét đến là hành vi hủy hoại tài sản của người khác đã rõ ràng. Vì đất có thể của ông Chí, nhưng chuối không phải của ông Chí.

Nếu ông Quân cố tình trồng chuối lên đất của ông Chí, ông Chí không đồng ý có quyền kiến nghị lên chính quyền. Về hành chính, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm cưỡng chế hành vi trên từ khi mới hình thành nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu đất. Thứ hai có thể đi theo con đường giải quyết về tranh chấp dân sự.

Cá nhân ông Chí không được quyền tự ý cưỡng chế, giải tỏa để dành lại mặt bằng đất của mình, pháp luật không trao cho ông Chí quyền năng “ông trồng trên đất của tôi là tôi thuê côn đồ đến chặt phá để dành lại đất”.

Như lời chia sẻ của ông Chí trên công luận thì: Quyền sử dụng đất là của Công ty Chí Linh, người đại diện pháp nhân là ông Đỗ Văn Chí, do công ty không hoạt động nên ông Phạm Văn Quân, người có cổ phần trong công ty trông coi và trồng chuối. Từ căn cứ trên có thể suy luận, việc trồng hàng nghìn cây chuối là có sự đồng ý của ông Chí, nếu không ông Chí đã báo cáo việc này lên chính quyền thì vụ việc chặt phá chuối đã không xảy ra. Hơn nữa những hình ảnh hiện trường chặt phá chuối cho thấy, vườn chuối nhà ông Quân bị chặt phá có hàng trăm cây đang ở độ thu hoạch, có nghĩa việc trồng đã phải diễn ra trong khoảng thời gian hàng năm trời nếu căn cứ theo tuổi đời sinh trưởng của một cây chuối từ khi trồng đến lúc ra buồng quả và đến kỳ thu hoạch.

Về hành vi chặt chuối của các đối tượng lạ mặt đối với tài sản của ông Quân có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản.

Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009

2. Sửa đổi mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 của một số điều như sau:

a) Sửa đổi cụm từ ”năm trăm nghìn đồng” thành cụm từ “hai triệu đồng” tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 143, 278, 279, 280, 283, 289, 290 và 291;

Các đối tượng có hành vi chặt phá cây ăn trái của gia đình ông Quân đã có dấu hiệu phạm vào tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Thiết nghĩ, cơ quan Cảnh sát điều tra cần xem xét khởi tố vụ án và khởi tố bị can, đồng thời phải ra quyết định trưng cầu định giá tài sản để làm căn cứ xác định khung hình phạt.

Luật sư Phạm Thanh Tùng. (Ảnh: QC)


Ở đây có thông tin có người thuê các đối tượng chặt phá cây ăn trái nhà ông Quân, các đối tượng này sẽ bị truy tố cùng tội danh trên. Tuy nhiên, khi áp dụng hình phạt phải xác định các tình tiết khác để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, từ đó đưa ra mức hình phạt phù hợp đối với từng đối tượng trong vụ án.

Trong vụ án này hành vi chặt phá tài sản của các đối tượng đối với cây ăn trái của gia đình ông Quân là vi phạm trách nhiệm hình sự, không cần biết ông Quân trồng cây đó trên đất của mình hay đất của ai. Việc thiệt hại mà các đối tượng gây ra cho ông Quân, các đối tượng phải liên đới bồi thường cho ông Quân.

Nếu ông Chí cho rằng đất đai không thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Quân, mà thuộc quyền quản lý sử dụng của Công ty Chí Linh, trường hợp ông Quân không tự nguyện giao đất thì ông Chí phải khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để đòi lại đất của Công ty Chí Linh chứ không thể có hành vi chặt phá như trên được./.

 

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực