Du khách Việt nghi bỏ trốn ở Đài Loan: Xử lý thế nào?

Thứ năm, 27/12/2018 18:38
(ĐCSVN) - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc hàng trăm khách du lịch Việt Nam nghi bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc). Vậy sự việc này dưới góc độ pháp lý sẽ xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh: Kim Chiến

Bàn ở khía cạnh này dưới góc độ pháp lý, chiều ngày 27/12, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích:

Với sự việc 152 du khách Việt nghi bỏ trốn tại Đài Loan, có thể thấy, đây là việc lợi dụng chính sách nới lỏng visa đặc biệt được xúc tiến vào năm 2015 của chính quyền Đài Loan đối với khách du lịch đến từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei, một số đối tượng đã tổ chức đưa người lao động với hình thức khách du lịch đến Đài Loan để trốn ở lại lao động trái phép.

Vụ việc 152 du khách Việt Nam mất tích sau khi đến Đài Loan nghi bỏ trốn là vụ việc rất nghiêm trọng đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Mặt khác, hành vi này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và đất nước con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Những năm gần đây, công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng. Đời sống xã hội dần được nâng cao. Tuy rằng một bộ phận người dân ở các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng với chính sách tạo công ăn việc làm cho người lao động, chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp đã luôn tạo những điều kiện tốt nhất để góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân.

Việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng đi du lịch rồi đưa các lao động trong nước xuất cảnh trái phép sang Đài Loan đã và đang diễn ra hiện nay đang là khá phổ biến. Nhiều vụ đưa trái phép người lao động sang nước ngoài đã được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cụ thể này, để có căn cứ xử lý hành vi đưa 152 người lao động trái phép sang Đài Loan, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không việc cấu kết giữa các đối tượng trong nước, nước ngoài để đưa người lao động dưới vỏ bọc “khách đi du lịch” trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Hành vi đưa người sang nước ngoài không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 349 BLHS 2015.

Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với những “khách du lịch” bỏ trốn tại Đài Loan sẽ phải chịu hình thức xử lý theo pháp luật của chính quyền Đài Loan về vi phạm nhập cảnh. Hình thức xử phạt có thể trục xuất, cấm nhập cảnh. Nếu thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự theo luật pháp của chính quyền sở tại./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực