Cần nghiêm trị hành vi hủy hoại tài sản!

Thứ sáu, 06/10/2017 10:34
(ĐCSVN) - Việc phá hoại hàng vạn quả dứa ở Hà Trung (Thanh Hóa) những ngày qua đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, nhất là với người trồng trọt, chăn nuôi. Pháp luật cần có biện pháp trừng trị nghiêm khắc những hành vi vô đạo đức kể trên.

           

Anh Mạnh sầu não bên đồi dứa hàng vạn quả bị kẻ xấu phá hoại. Ảnh: Trần Tuyên

Theo phản ánh của anh Nguyễn Quang Mạnh, năm 2016, gia đình anh trồng hai vạn chồi dứa trên diện tích 5.000 m2 tại khu vực Gò Giang, thôn Hoàng Vân, xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Trung tuần tháng 9 vừa qua, thời điểm sắp đến kỳ thu hoạch, gia đình phát hiện đồi dứa có dấu hiệu bị kẻ xấu lén dùng thuốc diệt cỏ nồng độ cao phun vào gây "chết cháy". Còn nhiều diện tích dứa khác thì bị phạt ngang quả bằng dao.

Trong khi những vườn dứa bên cạnh xanh tốt bình thường thì dứa của gia đình bị cháy xém, thối rữa..., anh Mạnh cho rằng chắc chắn ai đó đã cố tình phá hoại. Theo chủ hộ, số dứa bị thiệt hại ước tính 16 tấn, trị giá gần 200 triệu đồng.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 2/10 Công an huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết đang điều tra vụ án cố ý hủy hoại tài sản xảy ra trên địa bàn xã Hà Long khiến nhiều diện tích dứa sắp thu hoạch của một hộ gia đình bị thiệt hại.

Bức xúc về vụ việc, ông Nguyễn Văn Hòa, 47 tuổi, một chủ hộ cũng tham gia trồng dứa ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình cho biết: Dù ở góc độ nào thì đây cũng là hành vi không thể chấp nhận được, bởi nó là việc đổ đi bát cơm đang chuẩn bị ăn của người khác. Hơn nữa, với trồng trọt chăn nuôi lại càng là hành động vô đạo đức. Bởi ai cũng biết, chờ đến ngày cây dứa đơm hoa, kết trái, người trồng phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, chờ đợi hàng năm trời mới được một vụ thu hoạch. Mong cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm và có biện pháp trừng trị thích đáng với hành vi phá hoại trên.

Còn ông Lầu Mí Sính, 52 tuổi làm nghề nuôi cá tầm, cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng từng bị tình trạng cá chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục triệu đồng nên rất thấu hiểu và chia sẻ với gia đình bị phá hoại dứa ở Thanh Hóa.

Ông Sính cho biết thêm, việc nhà ông sau này khi dọn dẹp ao, bể phát hiện ở khu ao, bể đón nước đầu nguồn có mấy vỏ chai thủy tinh và gói giấy nilon cuộn tròn được đục thủng nằm dưới đáy, đưa lên thấy sặc sụa mùi khó chịu. Biết là bị kẻ xấu “ghen ăn tức ở” đang tâm phá hoại, gia đình ông ngậm đắng nuốt cay, bởi ông biết rằng với những hành vi này, việc tìm ra thủ phạm không hề đơn giản.

“Tôi thấy hiện tượng phá hoại này từng xảy ra ở một số địa phương, nơi thì vịt chết hàng loạt, nơi thì cá, nơi thì gà, và nơi thì phá hoại cả vườn chuối…nên sự việc ở Thanh Hóa không còn là hy hữu nữa. Hiện nay, đâu đâu cũng nghe những phong trào hỗ trợ, giúp đỡ đoàn kết giữa các tổ chức, đoàn thể, người sản xuất với nhau để cùng phát triển, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi,.. thì những hành động phá hoại như sự việc ở Thanh Hóa những ngày qua càng cần phải lên án, vì đây là hành động dã tâm khi cố tình triệt hạ đi kế sinh nhai của người khác, cơ quan chức năng cần điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm loại tội phạm mới này” – ông Sính nói.

Anh Nguyễn Quang Mạnh, chủ đồi dứa bị thiệt hại tại Gò Giang, xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết: Từ trước đến nay gia đình tôi không thù oán với ai, nay bỗng dưng bị kẻ xấu hủy hoại đi con đường sống khiến gia đình tôi rất bức xúc, nhiều chủ vườn liền kề nhà tôi thì tỏ ra lo lắng, bất an. Đây là hành vi coi thường pháp luật, tôi mong cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm, làm sáng tỏ vụ việc này, bởi nếu không được làm rõ và xử lý nghiêm, rất có thể những vụ phá hoại tương tự lại tiếp tục xảy ra với các hộ dân khác…

Luật sư Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: Trần Chiến

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Đối với trường hợp phun thuốc diệt cỏ, dùng vật sắc phạt ngang, phá hoại hàng vạn quả dứa sắp chín theo thông tin như như báo chí đã đưa thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án về tội Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009 và nằm trong nhóm tội xâm phạm về sở hữu. Trong trường hợp này, chủ thể của tội hủy hoại tài sản cũng tương tự như những tội xâm phạm tài sản khác…

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã  bị  xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã  bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.                                              

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực