Cần làm rõ về quyền của các thành viên trong hộ gia đình để ghi tên trong Sổ đỏ

Thứ ba, 28/11/2017 16:54
(ĐCSVN) - Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ (còn gọi là Sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Quy định này đã gây ra nhiều tranh luận và cách hiểu khác nhau.
Luật sư Đào Việt HàVăn phòng Luật sư Đào Việt Hà (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội). Ảnh: BA

Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”

Trao đổi về nội dung trên của Thông tư, luật sư Đào Việt Hà - Văn phòng Luật sư Đào Việt Hà (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết: Thông tư 33 có ưu điểm là giải quyết được một số vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hiện nay bởi nó đã cụ thể hóa được các đồng chủ sở hữu trên sổ đỏ, để sau này cơ quan chức năng chỉ cần nhìn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có thể xác định được những ai có quyền sở hữu, sử dụng với thửa đất và tài sản gắn liền trên thửa đất đó, mà không cần phải tìm chứng cứ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng.

Tuy nhiên nếu thành viên có chung quyền sử dụng, sở hữu nhà đối với hộ gia đình là người dưới 18 tuổi, thậm chí là trẻ em thì khi  thực hiện các giao dịch như mua bán, thế chấp, tặng cho… đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của những trẻ em đó thì rất phức tạp. Những thành viên có chung quyền trong hộ gia đình là người dưới 14 tuổi thì ghi thế nào ở phần giấy tờ thân nhân, vì những người này chưa được cấp chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước...

Hơn nữa, Thông tư chưa rõ ràng ở chỗ “ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Theo luật sư, viết như vậy là chưa rõ ràng vì có thể hiểu theo hai cách: Chỉ những thành viên có đóng góp vào quá trình hình thành khối tài sản đó thì mới được ghi tên vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận); cách hiểu thứ hai là tất cả những thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đều được ghi tên vào Giấy chứng nhận, kể cả trẻ em.

Theo cách hiểu thứ hai thì Thông tư đã bộc lộ bất cập, bởi thực tế, trong nhiều trường hợp con cái chưa hề có đóng góp kinh tế vào quá trình hình thành khối tài sản đó, thậm chí cha mẹ vẫn đang nuôi dưỡng, chu cấp học hành… nhưng vẫn được đứng tên trong Giấy chứng nhận. Các con chưa trưởng thành, tính cách nhận thức còn bị hạn chế, hoặc “hư hỏng” nhưng vẫn đứng tên trong sổ đỏ, khi cha mẹ có nhu cầu giao dịch thửa đất đó buộc phải có sự đồng ý của những người con này, điều này là bất cập lớn.

Từ những phân tích trên, luật sư Đào Việt Hà cho rằng, Thông tư cần làm rõ hơn thế nào là những thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất để được đứng tên trong Sổ đỏ./.

BA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực