Khi chính sách vì dân của Nhà nước bị lợi dụng

Thứ năm, 29/12/2016 22:01
(ĐCSVN) - Từ nhiều năm nay, với mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí cho người nông dân. Song, vì những lý do khác nhau, tại nhiều địa phương, chính sách nhân văn này đã bị cán bộ cơ sở ngang nhiên vi phạm.

Hệ quả là có hàng tỷ đồng của người nông dân bị thu và chi sai quy định. Người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài và lòng tin của bà con đối với cán bộ cơ sở theo đó cũng suy giảm nghiêm trọng…

Dù tìm đủ mọi lý lẽ để đùn đẩy trách nhiệm, song có một thực tế mà cán bộ thôn, xã đều không thể phủ nhận, đó là hơn chục năm qua, hàng trăm hộ nông dân ở thôn Ngọc Nha Hạ, xã Phùng Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên) vẫn đều đặn đóng tiền thủy lợi phí trong khi toàn bộ khoản tiền này đã được Nhà nước hỗ trợ bảo đảm ngay từ đầu năm.

PV Báo điện tử ĐCSVN làm việc với Lãnh đạo UBND xã Phùng Hưng

Hàng trăm hộ dân bị  "ém" tiền hỗ trợ thủy lợi phí 

Chúng tôi tìm về thôn Ngọc Nha Hạ đúng thời điểm bà con nông dân đang hối hả xuống đồng để chuẩn bị cho vụ lúa mới. Trong câu chuyện của họ, việc cán bộ cơ sở “ém” tiền Nhà nước hỗ trợ thủy lợi phí vẫn là vấn đề “nóng” hơn cả. Điều làm người dân ở đây bức xúc nhất, đó là chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước đã có gần chục năm nay nhưng cán bộ thôn, xã lại chưa hề một lần thông báo cho bà con được biết. Và số tiền đóng góp của người dân lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm thì đến nay vẫn chưa biết “đi đâu về đâu”.

Sai phạm bắt đầu bị lộ bắt đầu từ cuối năm 2013, khi HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Phùng Hưng tạm ứng cho ông Vương Văn Bình - Phó thôn Ngọc Nha Hạ một số tiền để thanh toán công dịch vụ nông giang của thôn. Tuy nhiên, trong khi phiếu chi của HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Phùng Hưng ghi số tiền đó là 20 triệu đồng thì những người làm dịch vụ nông giang được nhận thực tế lại thấp hơn rất nhiều. Sau đó, lãnh đạo thôn Ngọc Nha Hạ đã đôn đốc người dân trong thôn nộp đủ số tiền mà HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã tạm ứng. Về nội dung này, theo một cán bộ HTX Phùng Hưng thì điều này là hoàn toàn vô lý bởi toàn bộ khoản này đã nằm trong nguồn hỗ trợ thủy lợi phí hàng năm của Nhà nước. Tiếp tục tìm hiểu, người dân trong thôn được biết, từ năm 2008, toàn bộ số tiền thủy lợi nội đồng với nhiều khoản khác nhau đã được Nhà nước hỗ trợ với giá trị tương đương 39.000 đồng/sào/năm. Điều đáng nói, khi người dân thắc mắc về việc được Nhà nước hỗ trợ thủy lợi nội đồng nhưng vẫn phải đóng thì lãnh đạo cơ sở lại trả lời là không có, không biết.

Để làm rõ vấn đề, người dân thôn Ngọc Nha Hạ thống nhất thành lập Tổ Giám sát dân bầu gồm 7 thành viên do ông Đỗ Văn Đức làm Tổ trưởng. Sau khi có quyết định công nhận của UBND xã Phùng Hưng, Tổ Giám sát dân bầu thôn Ngọc Nha Hạ đã tích cực tìm hiểu, liên hệ với các cơ quan chức năng và được biết, suốt trong khoảng thời gian gần 10 năm qua, lãnh đạo cơ sở đã ngấm ngầm "ém"  số tiền do hàng trăm hộ dân trong thôn đóng góp hàng năm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Thư ký Tổ Giám sát dân bầu thôn Ngọc Nha Hạ bức xúc chia sẻ: “Trong khi Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ nông dân thì gần 10 năm qua, chúng tôi vẫn thường xuyên phải nộp số tiền làm thủy lợi phí từ 70.000 - 80.000 đồng/sào/năm; có thời điểm số tiền này còn bị thu lên tới 100.000 đồng/sào/năm”. Ước tính, chỉ riêng ở thôn Ngọc Nha Hạ, số tiền thu sai này đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Có hay không sự dung túng, tiếp tay của cán bộ xã Phùng Hưng?

Vấn đề mà dư luận ở thôn Ngọc Nha Hạ nói riêng và xã Phùng Hưng nói chung đang bức xúc hiện nay, đó là: Ai là người đã chỉ đạo các thôn, xóm thu khoản thủy lợi phí và số tiền đã thu trong gần 10 năm qua hiện đang ở đâu?

Theo UBND huyện Khoái Châu, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác thủy lợi nội đồng của Nhà nước dành cho xã Phùng Hưng trung bình vào khoảng 1,3 tỷ đồng/năm. Việc không công khai khoản hỗ trợ này để các thôn thu thủy lợi phí trái pháp luật đã khiến cho người dân địa phương hết sức bức xúc. Một mặt, cán bộ thôn, xã đều đặn nhận tiền hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước; mặt khác, họ vẫn thu tiền thủy lợi phí của người dân như một khoản bắt buộc với mức thu cao gấp nhiều lần thực tế. Tính chung trong toàn xã Phùng Hưng, mỗi năm số tiền thủy lợi phí người dân phải đóng lên tới hàng tỷ đồng. Thậm chí khi người dân gặp khó khăn, cán bộ thôn còn tìm mọi cách tạo áp lực để họ phải đóng đủ khoản tiền mà đáng ra họ đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ. Bà Nguyễn Thị Yến, thôn Ngọc Nha Hạ chia sẻ: “Họ nói đó là lệnh của xã, có dấu đỏ của UBND xã nên mọi người phải thực hiện. Ai không đóng, đóng chậm thì sẽ bị cắt nước sản xuất, bị tính lãi ngày trên số tiền nộp chậm”.

Cố gắng liên lạc, đặt lịch làm việc, song có lẽ là một sự “trùng hợp” khi cả lãnh đạo UBND huyện Khoái Châu và lãnh đạo xã Phùng Hưng đều lấy lý do bận họp để từ chối tiếp phóng viên. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Khoái Châu cho biết: “Hiện nay, hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang bên cơ quan Công an để điều tra, làm rõ. Chúng tôi đã chỉ đạo sẽ kiên quyết xử lý những vi phạm, nếu có”.

Trong khi các bên liên quan đang tìm cách đùn đẩy trách nhiệm thì một thực tế không phủ nhận được là, mỗi năm, người dân xã Phùng Hưng vẫn đều đặn đóng hàng tỷ đồng cho lãnh đạo cơ sở. Ngày ngày, người nông dân lam lũ trên các cánh đồng để rồi vẫn phải bán hàng tạ thóc nộp các khoản đóng góp, vì đó là "phương án" của xã, đã được Chủ tịch UBND xã Phùng Hưng phê duyệt, đóng dấu xác nhận.

Phiếu báo thanh toán đã được Chủ tịch UBND xã Phùng Hưng ký và đóng dấu mặc dù chưa có nội dung

Quá trình tác nghiệp, phóng viên còn phát hiện một điều khá “lạ kỳ” ở xã Phùng Hưng khi có rất nhiều “Phiếu báo thanh toán” đã được ông Bùi Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phùng Hưng ký tên, đóng dấu sẵn nhưng nội dung hoàn toàn để trống các khoản đóng góp. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây chính là “lá bùa” mà xã tạo ra để cán bộ thôn có thể thoải mái ấn định các khoản thu liên quan đến thủy lợi phí?  

Đáng ngạc nhiên hơn, trong khi Chủ tịch UBND xã đã ký tên và đóng dấu vào các “Phiếu báo thanh toán” khống đó, nhưng cán bộ xã Phùng Hưng lại liên tục khẳng định với người dân thôn Ngọc Nha Hạ là không biết, không chỉ đạo những khoản thu này.

Người dân thôn Ngọc Nha Hạ bức xúc khi phản ánh sai phạm của cán bộ cơ sở. Video: Vũ Hoàng

Một điều khó hiểu là vì sao trong suốt khoảng thời gian dài, cán bộ thôn, xã ở Phùng Hưng lại không công khai chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước đối với người dân? Có hay không động cơ vụ lợi hay mục đích mờ ám phía sau việc làm này? Và vì sao, các khoản thu trái pháp luật lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm lại khó bị phát giác đến vậy? Nếu không có sự “bật đèn xanh” của cấp trên thì liệu cán bộ thôn có thể thu nhiều khoản trái pháp luật một cách dễ dàng như vậy? Số tiền thu sai của người dân trong gần 10 năm qua hiện đang ở đâu hoặc đã được sử dụng vào việc gì? Trách nhiệm của cán bộ thôn, xã đến đâu xung quanh sai phạm nghiêm trọng này?

Những câu hỏi này xin được chuyển tới lãnh đạo huyện Khoái Châu và các cơ quan chức năng có liên quan./.

(Còn nữa)

 "Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ đã đưa ra quy định miễn thủy lợi phí cho nông dân và quy định rất rõ việc miễn thủy lợi phí đối với diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp và làm muối, bao gồm đất do Nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng... kể cả phần diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng được miễn thủy lợi phí cho toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp và làm muối.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009."

Thùy Linh-Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực