Bài 3 – Để chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước thực sự đi vào đời sống

Thứ hai, 27/02/2017 12:51
(ĐCSVN) - Thời gian qua, những sai phạm xoay quanh thực hiện chính sách hỗ trợ thủy lợi phí đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là người dân ở các vùng nông thôn.

Khi chính sách vì dân của Nhà nước bị lợi dụng

Bài 2: Lợi dụng Nghị quyết đại hội đại biểu xã viên để làm trái

Tìm hiểu được biết, không chỉ ở xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên); xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), như nội dung Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông tin ở những bài viết trước, mà các cơ quan báo chí còn phản ánh tình trạng vi phạm chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước tại nhiều địa phương khác như: Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), các huyện: Hà Trung, Như Thanh, Cẩm Thủy (Thanh Hóa)…

Tuy nội dung, tính chất không giống nhau và kết quả xử lý ở từng địa phương cũng dừng lại ở các mức độ khác nhau, song những vi phạm trên đều có một điểm chung là đã gây bức xúc trong dư luận, phát sinh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Ở một số địa phương, vi phạm chính sách hỗ trợ thủy lợi phí đã phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài...
  Video Thái Hậu.


Điển hình như tại xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), người dân đã có đơn thư phản ánh về tình trạng thu thủy lợi phí sai quy định từ năm 2014 nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Cũng về vấn đề này, đại diện người dân ở thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng có đơn thư gửi cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí từ đầu năm 2015, nhưng sau khi cơ quan Thanh tra huyện Ứng Hòa có văn bản kết luận thì người dân vẫn tiếp tục có ý kiến, kiến nghị.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở thôn Ngọc Nha Hạ, xã Phùng Hưng cho biết: Chính việc bưng bít thông tin của cán bộ cơ sở đã là cơ hội thuận lợi để việc vi phạm chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước ở thôn Ngọc Nha Hạ diễn ra liên tục trong nhiều năm. Nếu chúng tôi không phát hiện thì không hiểu là họ (cán bộ thôn, xã - PV), còn định lừa dối người dân đến bao giờ?

Thực tế triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước cho thấy, bên cạnh những địa phương có biểu hiện vi phạm thì ở nhiều nơi, việc quán triệt và thực hiện tốt chính sách nhân văn này đã tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển, qua đó, nâng cao đời sống của người nông dân. Bởi như chia sẻ của ông Lê Tiến Định - cán bộ Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội thì việc thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước là “hoàn toàn không quá khó”. Theo ông Định, hệ thống các văn bản, nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ về nội dung miễn thủy lợi phí. Tại các địa phương, chính quyền cấp tỉnh, thành phố cũng có những quy định cụ thể. Hiệu quả quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định này chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, năng lực, trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở. Đơn cử như tại xã Bình Minh, do thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước, nên HTX nông nghiệp xã Bình Minh đã góp phần quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong tập thể xã viên và người sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Từ đó, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, vừa đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đời sống người dân.

Có thể thấy, công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc đưa chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước thực sự đi vào đời sống, trở thành động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách hết sức nhân văn nói trên bị vi phạm trong thời gian dài tại nhiều địa phương là do người dân đã bị “cách ly” với những thông tin liên quan đến chính sách này.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ trước những sai phạm liên quan đến thủy lợi phí đã diễn ra trong thời gian dài ở nhiều địa phương mà không được phát hiện, xử lý kịp thời. Nếu thông tin được công khai, được tuyên truyền rộng rãi đến người dân thì chắc chắn những sai phạm sẽ khó có thể tồn tại lâu đến vậy”.

Do vậy, để ngăn chặn những biểu hiện vi phạm chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước ở các vùng nông thôn, thiết nghĩ, vấn đề đầu tiên đặt ra hiện nay là phải chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Các cấp từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền đến người dân về mục đích, nội dung, quy định của Nhà nước liên quan đến chính sách hỗ trợ thủy lợi phí. Đây là cách để giúp người dân nâng cao nhận thức; đồng thời cũng tạo cơ sở để họ phát huy tốt quyền làm chủ của mình, kịp thời phát hiện và đấu tranh với những dấu hiệu vi phạm, nếu có.

Cùng với đó, tại các địa phương có đơn thư phản ánh của người dân hoặc có sai phạm liên quan đến công tác thu, chi thủy lợi phí, cần sớm xác minh, làm rõ những phản ánh của người dân. Với những nội dung sai phạm đã rõ ràng, cần có hình thức xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đúng theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng xử lý “nương nhẹ” hoặc để vụ việc kéo dài, chậm xử lý. Làm tốt nội dung này không chỉ giúp giải tỏa bức xúc của dư luận, ổn định tình hình địa phương, chấm dứt tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp mà còn mang ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh đối với những cá nhân, tập thể có ý định vi phạm các quy định, chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi làm việc mới đây với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Hoàng Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà (Hà Nội) cho biết: “Địa phương đã bước đầu tiến hành xử lý những cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm thu chi thủy lợi phí sai quy định tại HTX Nông nghiệp Trần Đăng, xã Hoa Sơn. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra. Quan điểm của chúng tôi là nghiêm túc với các sai phạm nên sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý đúng theo quy định của pháp luật”.

Chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Minh,
huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội phát triển. 

Đồng thời, do việc vi phạm chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước chủ yếu diễn ra ở cơ sở, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp và đội ngũ cán bộ thôn, xã nên cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp cũng như thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân chủ, công khai, minh bạch” trong thu, chi tài chính ở địa phương. Thực tế chỉ ra, những địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước cũng chính là những nơi mà cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các nội dung hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; các nguyên tắc thu, chi tài chính được tôn trọng và thực hiện đúng.

Cũng theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chính là phát huy quyền làm chủ của người dân, giúp hạn chế những việc làm trái quy định của các HTX nông nghiệp cũng như là của cán bộ cấp cơ sở. Cùng với đó cũng cần tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương; tăng cường vai trò quản lý  của Nhà nước đối với các HTX, trong đó có HTX nông nghiệp…

Tiếp cận từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn An Bình, thuộc Công ty Luật Hồng Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: “Tùy từng vụ việc cụ thể, sai phạm trong thu, chi thủy lợi phí sai quy định có những tính chất, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào thì đây cũng là biểu hiện vi phạm pháp luật, quy định của Nhà nước. Do đó, quá trình xử lý những sai phạm này, các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ vi phạm của các cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý phù hợp. Trường hợp cần thiết có thể tiến hành truy tố trước pháp luật”.

Như đã phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước những năm gần đây đang gặp không ít khó khăn, việc Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thủy lợi phí cho người nông dân đã thể hiện rõ tính chất nhân văn, ưu việt. Đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với hàng triệu nông dân trong quá trình vượt lên những khó khăn để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì thế, chính sách hỗ trợ thủy lợi phí của Nhà nước cần phải được các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Mọi hành vi vi phạm chính sách này phải bị lên án, xử lý nghiêm minh. Có như vậy, nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mới thực sự phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, góp phần san sẻ bớt những gánh nặng của người nông dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Thùy Linh-Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực