Di dời ga Hà Nội cần cân nhắc về lịch sử và kinh tế

Thứ tư, 23/08/2017 16:02
(ĐCSVN) - Nhằm giảm tải xung đột giao thông đường bộ và những nút giao với đường sắt tại khu vực nội thành Hà Nội, Công an TP Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, cho di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Trong những ngày qua, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân Thủ đô..

Cụ thể, tại Hội nghị về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội diễn ra ngày 8/8 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã đưa ra đề xuất di dời nhà ga Hà Nội và tuyến đường sắt liên tỉnh ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội.

Lý giải về đề xuất trên, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình cho rằng, hiện Hà Nội có khoảng 10 km đường sắt đi xuyên tâm trong Thành phố, với rất nhiều điểm đường ngang giao cắt tại những khu vực đông dân cư qua lại. Ngoài ra, ga Hà Nội cũng là nơi tập trung đáng kể các chuyến đi và đến của các tuyến tàu hỏa hiện nay, gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông và là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp.

Bên cạnh những lý do trên, hệ thống đường sắt này đã sử dụng lâu năm, mất mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Về vị trí di dời, theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, nếu ga Hà Nội chuyển sang bên kia sông Hồng hoặc khu vực huyện Thường Tín thì sẽ giảm được tai nạn trong khu vực nội đô, tránh gây xung đột giao thông khi tàu đi qua, đồng thời giãn mật độ người dân di chuyển từ ngoại thành vào trung tâm.

Ga Hà Nội với lịch sử hàng trăm năm tuổi là một trong những biểu tượng của Thủ đô.

Ngay sau khi một số báo chí đăng tải nội dung đề xuất trên, nhiều người dân Thủ đô đã có những ý kiến chia sẻ về vấn đề trên.

Chị Vương Lan Anh (Quận Đống Đa, Hà Nội) nhận xét: “Việc di dời Ga Hà Nội ra ngoại thành theo tôi thấy là chưa nên làm, bởi hiện nay, các chuyến tàu vận chuyển hành khách và hàng hóa đến và đi tại ga vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Khi nhà ga nằm tại vị trí trung tâm của Thành phố như hiện nay rất thuận tiện cho việc di chuyển của hành khách đi và đến ga. Nếu chúng ta di chuyển ga ra một đầu của Thành phố thì lượng hành khách và hàng hóa đó vẫn phải di chuyển xuyên tâm qua trung tâm Thành phố để đến nhà ga. Như vậy, dù có di chuyển bằng phương tiện vận tải nào đi chăng nữa thì áp lực giao thông chỉ có tăng lên, chứ không hề giảm bớt như dự tính".

Ga Hà Nội ngày nay (trước đây còn được gọi là ga Hàng Cỏ) là công trình hơn 100 tuổi. Đây là một trong những biểu tượng gắn bó với người dân Hà Nội từ nhiều năm nay. Theo thống kê, hiện ga Hà nội có 5 tuyến đường sắt phục vận chuyển hành khách và hàng hóa liên vận trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi ngày, tại đây đón và tiễn khoảng 24 chuyến tàu khách, từ 4 – 6 chuyến tàu hàng với các khung giờ từ 9h sáng tới 13h chiều, hoặc 16h tới 6 giờ sáng ngày hôm sau. 

Ông Trần Xuân Quang (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Không chỉ riêng chuyện vận chuyển hành khách, ga Hà Nội với lịch sử hàng trăm năm là một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội và người dân cả nước qua những thăng trầm của lịch sử. Vậy nếu di dời thì nên cân nhắc kỹ càng, lấy ý kiến rộng rãi đối với quần chúng nhân dân và các cơ quan, ban, ngành”.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng không nên di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm Thành phố thì vẫn còn có những lo lắng về vấn đề an toàn giao thông đối với hệ thống đường sắt cũ kỹ này, bởi hiện đang tồn tại hàng trăm lối đi dân sinh tự mở. Chỉ trong 10 km đường sắt xuyên tâm chạy qua lòng thành phố Hà Nội có đến 184 đường ngang, trong đó tồn tại tới 32 lối đi đường ngang chỉ được cảnh báo bằng biển báo mỗi khi tàu chạy qua...

“Có lẽ nên di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm Thành phố. Nhìn cảnh người dân sinh sống bên cạnh đường ray tàu chạy thật là nguy hiểm và nhếch nhác. Tuy nhiên, cần một lộ trình và sự tính toán phù hợp, đặc biệt là đối với chi phí xây dựng ga mới và bài toán về việc vận chuyển hành khách, hàng hóa tới điểm xây dựng ga mới.” – chị Nguyễn Phương Thảo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Người dân sinh sống ngay cạnh đường sắt.

Xung quanh vấn đề trên, một số chuyên gia về giao thông cho rằng, việc di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm Thành phố sẽ là việc làm hết sức tốn kém, từ việc xây dựng nhà ga mới cho tới việc xây dựng các tuyến đường ray chạy vòng để kết nối với ga trung tâm, tốn chi phí rất lớn.

Về vấn đề này, ông Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong quy hoạch được phê duyệt, khẳng định ga Hàng Cỏ là ga hành khách chứ không phải ga đầu mối. Vì thế, bây giờ chỉ có thể điều chỉnh chức năng hoạt động của ga, chứ không thể phá bỏ, di chuyển nhà ga. Phải căn cứ Luật Thủ đô và quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, bản thân nhà ga cũng là di sản kiến trúc qua nhiều giai đoạn, đặc trưng cho kiến trúc Pháp; đồng thời, sau chiến tranh phá hoại, việc xây dựng lại cũng đã thể hiện quyết tâm của đất nước. Vì vậy, không nên vội vàng thay đổi chức năng để làm mất giá trị di sản.

Có thể thấy, đề xuất để giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông của Công an TP. Hà Nội với việc di dời ga Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cũng là một giải pháp, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Để đạt được mục tiêu như mong đợi, cần có lộ trình và các cơ quan chức năng cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là những chuyên gia có kiến thức về lịch sử,  kinh tế và văn hóa để không lãng phí cũng như làm mất đi những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô./.

Bài, ảnh: Vũ Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực