Lan tỏa phong trào Học và làm theo lời Bác

Thứ ba, 10/10/2017 09:19
Nói những gì cần nói, làm những gì cần làm để có lợi nhất cho người dân. Không phô trương, không chạy theo thành tích… là những gì đã và đang diễn ra tại các địa phương khi thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các ban ngành, đoàn thể huyện Hòa Bình thực hiện công tác đối thoại,
lắng nghe ý kiến người dân tại xã Vĩnh Hậu. Ảnh: C.K

Học Bác từ những việc hàng ngày

Từ khi Bộ Chính trị phát động các phong trào học và làm theo lời Bác, đến nay, điều dễ nhận thấy nhất ở các ban ngành, địa phương là sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Không còn phô trương, hình thức chung chung mà phong trào đã đi vào chiều sâu, được thực hiện theo phương châm nói đi đôi với làm và đã làm thì phải làm đến nơi, đến chốn…

Để tìm hiểu hiệu quả cũng như sức lan tỏa của phong trào học Bác, chúng tôi đến Đảng bộ huyện Hòa Bình - một trong những Đảng bộ thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là Đảng bộ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tuyên dương điển hình trong việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên (vào ngày 11/9/2017) tại Quảng trường Hùng Vương.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí Thư Thường trực Huyện ủy Hòa Bình, cho biết: “Kết quả mà huyện đạt được trước tiên là huyện làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, huyện cũng lồng ghép việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương… Từ đó, cán bộ, đảng viên trong huyện đã nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Phong trào học và làm theo Bác không phải là việc ở đâu xa mà thể hiện qua những việc làm hàng ngày, ai cũng có thể làm được. Đó là tham gia và vận động gia đình, người thân, quần chúng nhân dân nơi cư trú tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… Hay việc các địa phương, cơ quan, ban ngành lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết, tạo lòng tin từ người dân... Đơn cử như Đảng bộ xã Vĩnh Bình với việc thực hiện hiệu quả các tiêu chí giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn; hay Đảng bộ địa phương khác lại chọn việc giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính; mở rộng, làm mới các tuyến lộ giao thông liên ấp nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại của nhân dân…

Đó còn là các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân. Việc làm này còn thể hiện sự tôn trọng dân, biết lắng nghe dân. Và, quan trọng nhất là qua những việc làm tưởng như “đơn giản” ấy, chính quyền đã “nhích” lại gần dân hơn, tạo tình cảm và gây dựng lòng tin từ quần chúng nhân dân.

Ông Phạm Minh Luyến (bìa phải), Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Bình trao giải cho thí sinh tại hội thi Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017. Ảnh: C.K

Khi phong trào học Bác được lan tỏa…

Có thể khẳng định phong trào học và làm theo lời Bác ở tỉnh Bạc Liêu đã lan tỏa đến quần chúng nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần hiệu quả vào công cuộc xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại mỗi địa phương.

Theo ông Phạm Minh Luyến, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Bình: “Phong trào học Bác từ khi được triển khai đến nay không chỉ làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn lan tỏa đến các tầng lớp trong quần chúng nhân dân. Đây không chỉ là tín hiệu vui mà còn là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục triển khai đẩy mạnh nhằm đưa việc học Bác thấm nhuần đến từng tập thể, từng cá nhân, xem việc học tập là trách nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện cho bản thân, cho đơn vị ngày một tốt hơn, phục vụ người dân có hiệu quả hơn”.

Sức lan tỏa của phong trào không chỉ thể hiện qua việc cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các đảng bộ, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc hơn trong việc nêu gương, nhiệt tình, tận tụy với công việc, giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh mà còn được thể hiện qua việc ứng xử với quần chúng nhân dân. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác được quán triệt qua các buổi đối thoại, tiếp xúc với người dân của mỗi cán bộ, đảng viên ở các ban ngành, địa phương. Có thể nói, từ việc học và làm theo lời Bác, hiện tượng “hách dịch, xa dân, rời dân” đã được “chữa trị” tận gốc.

Cũng chính từ sự tin yêu của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền nên nhiều phong trào cách mạng do địa phương phát động đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Đó là nhân dân hiến đất xây trường, trụ sở; hiến đất xây dựng công trình đường nông thôn mới, các công trình phúc lợi xã hội...

Để thực hiện tốt hơn nữa việc học và làm theo lời Bác, ông Phạm Minh Luyến cho rằng cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Kịp thời biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tạo sức lan tỏa và thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, uốn nắn những yếu kém…

Ý nghĩa thật sự của việc học và làm theo lời Bác là làm cho mỗi con người, bất kể là cán bộ hay người dân ngày càng tốt hơn về tư tưởng, đạo đức. Vì thế, đối với cán bộ, đảng viên khi đã thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thì ý thức, trách nhiệm với công việc, với người dân cũng sẽ tốt hơn.

Châu Khánh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực