Chuyên đề giám sát các công trình thủy lợi: Thực hiện đúng tiến độ nhưng đầu tư dàn trải

Thứ hai, 13/03/2017 10:04
Theo chương trình giám sát năm 2017, vừa qua Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí giai đoạn 2012 - 2016.


Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát tuyến kênh thủy nông nội đồng tại huyện Phước Long. Ảnh: T.T

 Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thị xã, ngành chức năng và đi khảo sát thực tế các công trình thủy lợi tại một số địa phương. Qua đó cho thấy, hầu hết nguồn vốn được đầu tư đúng mục đích, công trình thực hiện đúng tiến độ, nhưng việc phân khai nguồn vốn khá dàn trải, chưa khoa học.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn cấp bù miễn thủy lợi phí được Trung ương cấp hàng năm cho tỉnh luôn tăng (từ trên 52 tỷ đồng năm 2012 tăng lên trên 80 tỷ đồng năm 2016) đã góp phần rất lớn trong công tác cải tạo, nạo vét, tạo nguồn hệ thống kênh cấp II, cấp III vượt cấp) và duy tu, sửa chữa các hệ thống công trình phát huy năng lực sản xuất và dân sinh kinh tế. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động 490 công trình, hiện còn 35 công trình đã được phê duyệt và đang thực hiện. Nhìn chung, tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng và tình hình giải ngân vốn kịp thời, đúng tiến độ. Tổng vốn giải ngân toàn tỉnh đến cuối năm 2016 đạt 92,89%... Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư từ nguồn vốn trên đã đưa vào sử dụng khá hiệu quả. Đơn cử như tại huyện Vĩnh Lợi, với tổng vốn được cấp trên 23,4 tỷ đồng, huyện đã thực hiện 60 công trình thủy lợi với tổng chiều dài hơn 180km, trong đó đã có 54 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 6 công trình đang triển khai thi công. Các công trình chủ yếu là nạo vét những tuyến kênh bị bồi lắng, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi xuống cấp, đảm bảo cung cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất. Các công trình hoàn thành đưa vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu tiêu úng, xổ phèn, tưới tiêu cho sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng năng suất, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế cũng như phát triển giao thông của địa phương.

Đoàn cũng đã trực tiếp đến khảo sát thực tế công trình thi công tại kênh Vĩnh Phong 16 (xã Phong Tân, TX. Giá Rai). Đây là một trong 9 hạng mục công trình được thị xã Giá Rai triển khai thực hiện trong năm 2016. Tương tự, tại huyện Hồng Dân, với 48 công trình thủy lợi được duy tu, sửa chữa và nâng cấp đã góp phần giúp người dân đảm bảo nguồn nước sản xuất, nuôi trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả từ các công trình trên mang lại, đoàn giám sát cũng đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quá trình sử dụng nguồn vốn cấp bù miễn thủy lợi phí. Đó là hàng năm nguồn vốn được ngành chức năng phân bổ khá dàn trải, chỉ thực hiện các công trình nhỏ lẻ như: duy tu sửa chữa, nạo vét… trong khi nhiều công trình thủy lợi bức xúc vẫn chưa được đầu tư. Việc quản lý vốn các công trình khá cứng nhắc, dẫn đến tình trạng một số tuyến kênh vùng mặn ở thị xã Giá Rai bồi lắng diễn ra liên tục, nhưng theo quy định nguồn vốn này nếu chưa đến thời hạn cho phép thì chưa được nạo vét (?) đã gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được cấp từ việc dự toán các công trình đầu năm, do chỉ mang tính ước lượng nên dễ xảy ra tình trạng công trình thì thiếu vốn, có công trình lại thừa vốn. Và để xử lý vấn đề này, các địa phương lại phải làm thủ tục chuyển vốn với UBND tỉnh và ngành chức năng, dẫn đến hàng năm hầu hết các địa phương đều trong tình trạng dư vốn, trong khi một số công trình thủy lợi bức xúc vẫn “nằm chờ” ý kiến.

Phát biểu trong các đợt giám sát, làm việc với ngành chức năng, ông Hồ Thanh Thủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: “Nguồn vốn phân bổ cho các địa phương không nhiều lại dàn trải dẫn đến hiệu quả các công trình chưa cao; hệ thống cầu giao thông không theo quy hoạch nên ảnh hưởng không nhỏ trong thực hiện công trình, đôi khi gây lãng phí, việc đầu tư có trọng điểm ở một số công trình bức xúc cần quan tâm áp dụng... Ngành chức năng nên chăng giao khoán vốn để các địa phương chủ động thực hiện trên cơ sở đúng mục đích, đúng quy định. Đồng thời mạnh dạn để các địa phương trực tiếp quản lý các công trình thủy lợi, bởi thực tế cho thấy nhiều trường hợp cấp bách trong quá trình đóng, mở cống khi xin được ý kiến chỉ đạo tuyến trên thì việc xử lý cũng trở nên quá trễ, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân”.

Báo Bạc Liêu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực