APEC 2017: Tăng cường thực thi hợp đồng trong tài chính chuỗi cung ứng

Thứ sáu, 24/02/2017 22:20
(ĐCSVN) - Ngày 24/ 2, với sự tham dự của 590 đại biểu thuộc 9 ủy ban, nhóm công tác về Thương mại và Đầu tư (CTI), Kinh tế (EC), Dịch vụ (GOS), Đầu tư (IEG), Du lịch (TWG), Y tế (HWG), Thương mại điện tử (ECSG), Kết nối chuỗi cung ứng (A2C2) Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG) của APEC đã tiến hành 11 cuộc họp, hội thảo, đối thoại.

Hội thảo về Sử dụng công cụ quốc tế nhằm tăng cường thực thi hợp đồng trong tài chính chuỗi cung ứng
cho các doanh nghiệp toàn cầu do Ủy ban Kinh tế APEC chủ trì (Ảnh: Tấn Vũ)

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hôm nay, các diễn dàn thu hút sự tham gia rộng rãi nhất của cộng đồng doanh nghiệp, các học giả, các tổ chức quốc tế và khu vực.

Tại cuộc Đối thoại công tư về “”Kế hoạch hành động khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng”” (SCFAP) do chủ nhà Việt Nam đề xuất và APEC tài trợ về, các đại biểu đã thảo luận việc triển khai giai đoạn 2 của SCFAP. Trao đổi tập trung vào các giải pháp tháo gỡ 05 nút thắt đối với chuỗi cung ứng trong các khâu: quản lý biên giới và quy trình thông quan; cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông vận tải; dịch vụ hậu cần, hợp tác về chính sách; và cơ sở hạ tầng pháp lý đối với thương mại điện tử.

Sau những kết quả bước đầu của SCFAP 1 từ 2010-2015 với mục tiêu cải thiện 10% hiệu quả chuỗi cung ứng, SCFAP 2 từ  2017-2020 được kỳ vọng sẽ giảm hơn nữa chi phí, nâng cao hiệu quả và mức độ an toàn trong quá trình vận chuyển hàng hoá, trao đổi dịch vụ thông qua các chuỗi cung ứng trong APEC. 

Cũng liên quan chuỗi cung ứng, Cuộc họp Liên minh an ninh chuỗi cung ứng (A2C2) chiều ngày 24/2 đã tạo cơ hội để các bên liên quan đóng góp ý kiến, định hình các ưu tiên hợp tác kết nối chuỗi cung ứng, đặc biệt là vai trò của dịch vụ trong tiến trình này. A2C2 thành lập năm 2014 theo quyết định của các Bộ trưởng Thương mại APEC, nhằm thu hút tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế vào hợp tác chuỗi cung ứng. Trong 2 năm qua, Liên minh đã đóng góp nhiều khuyến nghị dưới góc độ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy trao đổi hàng hoá, dịch vụ thông suốt và hiệu quả trong khu vực.

Tại Đối thoại Chính sách thương mại nhằm nâng cao nhận thức về rào cản phi thuế trong lĩnh vực lương thực của CTI, đại diện các nền kinh tế đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng các rào cản phi thuế, xác định những lĩnh vực hợp tác thời gian tới của APEC để giảm thiểu tác động trái chiều của rào cản phi thuế trong lương thực. Theo báo cáo năm 2016 của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), rào cản phi thuế là một trong những trở ngại chính đối với xuất nhập khẩu lương thực hiện nay.

Hội thảo về Sử dụng công cụ quốc tế nhằm tăng cường thực thi hợp đồng trong tài chính chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp toàn cầu (bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - MSMEs) đã trao đổi về các chuẩn mực quốc tế về thực thi hợp đồng và tài chính chuỗi cung ứng, thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế quốc tế, các giải pháp trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho MSMEs… Hội thảo là sáng kiến của Ủy ban Kinh tế nhằm củng cố nền tảng pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh tại các nền kinh tế thành viên, đóng góp vào nghị trình cải cách cơ cấu của APEC.

Trong khuôn khổ CPLG, Hội thảo về Quyền hạn điều tra của các cơ quan cạnh tranh đã tập trung vào trao đổi kinh nghiệm xây dựng và vận dụng quyền hạn điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm thực hiện hiệu quả cơ chế hành vi phản cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, các chính sách cạnh tranh sẽ góp phần củng cố các nguyên tắc của thị trường, giảm các can thiệp không hiệu quả, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế kinh tế.

Sau các cuộc họp tiểu nhóm và hội thảo ngày 23 và 24/2, các nhóm TWG và ECSG bắt đầu các phiên họp toàn thể. Tại các cuộc họp, Việt Nam trong vai trò chủ nhà đã chia sẻ chủ đề, ưu tiên của APEC 2017. Đồng thời, các nhóm đã thảo luận các kế hoạch chiến lược và các sáng kiến lớn, bao gồm Báo cáo lĩnh vực du lịch APEC 2016, triển khai sáng kiến thuận lợi hoá đi lại…

Cuộc họp Nhóm TWG đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Hiệp hội Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA)..., đóng góp nhiều ý kiến thiết thực hướng tới chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long vào tháng 6/2017.

Các nhóm GOS, IEG và HWG hoàn tất ngày làm việc cuối cùng với những kết quả mong đợi. Các nhóm đều tập trung rà soát triển khai các kế hoạch, chiến lược dài hạn, bao gồm “Lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC”, “Lộ trình thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương lành mạnh đến năm 2020”. Kế hoạch hành động thuận lợi hoá đầu tư. Các nhóm cũng nghe báo cáo kết quả triển khai dự án của các nền kinh tế thành viên thời gian qua, đồng thời đề xuất các sáng kiến mới cho năm 2017, với mục tiêu là triển khai các chiến lược dài hạn trong lĩnh vực liên quan, đồng thời góp phần chủ đề và các ưu tiên chung của APEC 2017.

Đoàn Việt Nam tiếp tục đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực đóng góp vào các quan tâm chung của APEC, như Khuôn khổ về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; Dự án về nâng cao năng lực của các MSMEs vì phát triển bao trùm thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới; Hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bệnh tan máu bẩm sinh và vai trò của truyền máu an toàn nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh; tăng cường năng lực về kiểm nghiệm thực phẩm hướng tới hài hòa hóa các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.../.


Tấn Vũ - Khắc Kiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực