APEC 2017: Khai mạc Tuần lễ An ninh lương thực tại Cần Thơ

Thứ sáu, 18/08/2017 14:47
(ĐCSVN) - Sáng nay (18/8), tại thành phố Cần Thơ, trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, hai hội thảo khoa học chuyên đề đã khai mạc, mở đầu Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
An ninh lương thực là một trong bốn chủ đề ưu tiên của APEC 2017 (Ảnh: apec2017.vn)

Hội thảo chuyên đề “Xây dựng hệ thống thực phẩm  nông nghiệp thích ứng từ sản xuất đến tiêu dùng – Cách tiếp cận đa ngành đối với An ninh lương thực bền vững bằng cách sử dụng thông tin về khí hậu” của Nhóm Diễn đàn chính sách về khoa học và công nghệ, sáng chế và Hội thảo “Thách thức về An ninh lương thực và An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu khu vực APEC” của nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực thu hút nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC

Phát biểu khai mạc Hội thảo "Xây dựng hệ thống thực phẩm nông nghiệp thích ứng từ sản xuất đến tiêu dùng – Cách tiếp cận đa ngành đối với An ninh lương thực bền vững bằng cách sử dụng thông tin về khí hậu”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Linh cho rằng, An ninh lương thực luôn được đề cao trong hợp tác APEC do Khu vực châu Á Thái Bình Dương cung ứng 55% tổng sản lượng nông sản thế giới. An ninh lương thực cũng là mục tiêu thứ hai trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Trong những năm gần đây, APEC đã chú trọng nhiều hơn đến việc giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Ông Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh: “An ninh lương thực gắn với nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp các nền kinh tế của APEC ứng phó có hiệu quả hơn với các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu”.

Tham gia với tư cách diễn giả, ông Đỗ Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh/thành phố. Với lợi thế sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt Nam: đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và trên 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Ông chỉ rõ: “Trong hơn một thập niên qua, biến đổi khí hậu đã gây nên thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến ổn định xã hội và phát sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư. Những chuyển biến bất thường và khó dự đoán của thời tiết làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản”. Ông bày tỏ tin tưởng, các đại biểu tham gia hội thảo sẽ thu thập những ý kiến, chia sẻ ở cấp độ từng địa phương đến cấp độ vùng và các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương để tìm ra giải pháp tích hợp các thông tin về khí hậu và chuỗi sản phẩm nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; giúp các nền kinh tế thực hiện tốt và đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chủ trì diễn ra từ ngày 18 - 25/8/2017. Theo Ban Tổ chức, sự kiện này dự kiến thu hút đông đảo các đại biểu đến từ 21 thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp.

Các hoạt động, sự kiện chính tại Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại Cần Thơ gồm: Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.

Ngoài hai hội thảo chuyên đề vừa khai mạc sáng nay (18/8), các Hội thảo kỹ thuật chuyên đề khác trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm Công tác và do các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế tổ chức, như: Biến đổi khí hậu liên quan đến nông nghiệp; Giảm thất thoát lương thực cho hệ thống lương thực APEC bền vững; Phát triển nông thôn; Sáng kiến nông nghiệp thông minh vì tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và thúc đẩy phát triển nông thôn - thành thị khu vực Châu Á -Thái Bình Dương...; Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo; Triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế tại khu vực diễn đàn đối thoại cao cấp...

Mục tiêu của Tuần lễ An ninh lương thực là tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong khu vực APEC để xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực; Hợp tác trong chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; Thúc đẩy hợp tác về an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và kiểm soát thất thoát lương thực.

Dự kiến kết thúc Tuần lễ An ninh lương thực, các Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp khu vực APEC sẽ thông qua “Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”, làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác trong khu vực để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Việt Nam là thành viên của APEC và là một nước nông nghiệp, nguồn vốn ODA đầu tư chiếm khoảng 40-50% tổng kinh phí đầu tư của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; trong đó phần lớn là nguồn vốn từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Hiện nay, APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực. Đây là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 57% GDP của thế giới0.

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng.

Để vượt qua các rào cản đó, phát triển nông nghiệp bền vững tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là mối quan tâm chung, là trọng điểm và cần được tăng cường hợp tác sâu rộng của các nền kinh tế thành viên. Vì thế, trong các chương trình nghị sự cấp cao của APEC đều đề cập tới vấn đề an ninh lương thực./.

Tấn Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực