Văn hóa Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội

Chủ nhật, 28/07/2019 20:19
(ĐCSVN) – Không gian văn hóa Tây Nguyên tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em - nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, khai thác phát triển kinh tế và du lịch dựa trên nền tảng văn hoá truyền thống.

Không gian văn hóa Tây Nguyên, được tổ chức tập trung tại Làng dân tộc II, thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội). Thực thể văn hóa này thể hiện qua các công trình văn hóa và cảnh quan của 18 dân tộc vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các dân tộc vùng Nam Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên với hệ ngôn ngữ Môn - Khmer, Nam Đảo.

Trong quần thể các làng, bản có kiến trúc dân gian Tây Nguyên, các loại hình văn hóa tiêu biểu ở đây được tập trung tái hiện như: Văn hóa cồng chiêng, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc gỗ Tây Nguyên… Dịp diễn ra hoạt động văn hóa truyền thống, dưới mái nhà dài người Êđê, là hình ảnh các nghệ nhân ngồi trên chiếc ghế Kpan đánh chiêng, phụ nữ ngồi dệt vải. Trong ngôi nhà dài của người M’nông tái hiện lễ kết nghĩa anh em, cúng sức khỏe, tiếng chiêng ngân dìu dặt như đêm hội ở làng, bản. Trong không gian sống dân tộc Bhanar, các nghệ nhân dân gian trình diễn các điệu múa xoang thấm đẫm hơi thở của đại ngàn, những ché rượu cần ngất ngây men say; trước sân nhà rông tái hiện lễ tạ ơn sinh thành, hội mừng lúa mới... Tất cả cùng góp vào hương sắc trăm miền của không gian văn hóa Tây Nguyên sinh động giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

 

Tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em ở Tây Nguyên với các dân tộc anh em khác thường tổ chức.


Đến với ngôi làng thứ hai của mình giữa lòng Thủ đô, đồng bào dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) giới thiệu với công chúng tục mừng nhà Gươl mới. Với người Cơ Tu, nhà Gươl là một biểu tượng văn hóa, một không gian linh thiêng thờ các vị thần linh, ông bà tổ tiên. Ngôi nhà rông gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng của làng, bản.


Đồng bào Cơ Tu giới thiệu văn hóa truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Trong Khu các làng dân tộc II, Làng Dân tộc Êđê là một công trình tiêu biểu được xây dựng ngày 2/10/2008, hoàn thành ngày 23/11/2009. Nhà dài là công trình lớn nhất Làng dân tộc Êđê, có chiều dài khoảng 52m, rộng khoảng 6m, cao từ mặt đất tới đỉnh mái khoảng 6,6m; công trình phụ trợ còn có 2 kho lúa.


Các thanh niên người Êđê tái hiện “tục bắt chồng” – nét văn hóa phản ánh đậm nét về phong tục, tập quán chế độ mẫu hệ của đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.


Giữa không gian sống của người Ê Đê, khách tham quan được trải nghiệm, tương tác cùng chủ thể văn hóa qua các hoạt động chế tác nhạc cụ truyền thống, dệt vải, diễn tấu cồng chiêng, chế biến ẩm thực, đan gùi, tham gia các lễ hội truyền thống. các chương trình dân ca, dân vũ sôi động…


Trong thực thể văn hóa Tây Nguyên dày công tạo dựng, nhiều hoạt động văn hóa mang tới công chúng những trải nghiệm hấp dẫn, trong đó Lễ kết nghĩa anh em của hai dân tộc M’nông và Ê Đê là một điểm nhấn. Hoạt động nhân văn này thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng sâu sắc giữa hai dân tộc anh em sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk và Thừa Thiên - Huế.


Đồng bào M’Nông, tỉnh Đắk Nông tái hiện Lễ cúng cổng buôn truyền thống.


Một điểm nhấn khác đó là nhà rông làng dân tộc Gia-rai, có diện tích 72m2. Đây là nơi giới thiệu các lễ hội truyền thống, kiến trúc, điêu khắc những loại hình văn hóa tiêu biểu của dân tộc Gia-rai, tỉnh Kon Tum.


Giới thiệu nghệ thuật ẩm thực truyền thống dân tộc Gia-rai, tỉnh Kon Tum.


Trong không gian văn hóa Tây Nguyên, ngôi nhà rông của người Pa Kô, tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp du khách hiểu thêm về đời sống, văn hóa của dân tộc này cũng như sự tài hoa, lao động sáng tạo của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.


Đồng bào dân  tộc Pa Kô, huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) tái hiện Lễ đặt tên mang họ Bác Hồ - một nghĩa cử tri ân của đồng bào với công ơn của Đảng và Bác Hồ đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc mình, tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.

Góp phần cho chỉnh thể văn hóa Tây Nguyên tại Làng, trong dịp tổ chức các hoạt động truyền thống như Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc hằng năm, nghệ nhân các dân tộc từ các buôn làng ở Tây Nguyên được mời về Hà Nội tham gia trại sáng tác điêu khắc gỗ. Nhờ đó đã có thêm hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo, được trưng bày tại khu vườn Tượng Tây Nguyên.

Nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật khác của các dân tộc Tây Nguyên cũng đã được phục dựng như nhà rông của dân tộc Bhanar, nhà rông J’rai, nhà dài M’nông và một số công trình liên quan như nhà mồ, rừng, tượng gỗ... tất cả cùng tạo lên một cụm công trình kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc các dân tộc anh em ở Tây Nguyên, đồng thời góp phần củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, và làm đẹp hơn bức tranh văn hóa tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

.
N Quyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực