Tục đua bò của người Khmer

Thứ tư, 14/08/2019 16:41
(ĐCSVN) - Hội đua bò là kết quả của quá trình định cư, thích ứng, sáng tạo trong lao động sản xuất lâu đời của người Khmer. Hoạt động dân gian này hoàn chỉnh hình thức, nội dung theo từng nhịp thời gian và lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa sinh ra trên nền tảng phong tục, tập quán nông nghiệp.


Với phương thức canh tác nông nghiệp dùng cày và sức kéo động vật, nên người Khmer Bảy Núi - An Giang chú trọng việc nuôi và thuần dưỡng bò, một phương tiện chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Việc di chuyển, cày bừa bằng bò trên những đồng ruộng cát pha xâm xấp nước tạo tiền đề để người Khmer sáng tạo ra môn thể thao độc đáo này.


Chân dung một "kỵ sĩ" đua bò Bảy Núi.


Đua bò có hai phần: Vòng hô (điều khiển bò đi chậm) và vòng chạy (bò chạy ở tốc độ cao nhất) để tìm ra người chiến thắng.


Sau khi bốc thăm chọn cặp đấu, đôi bò thi đấu kéo theo bừa và nài đứng trên, nài bò sẽ dùng roi và kích để thúc cặp bò chạy 2 vòng đua về đích.


Trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại; người điều khiển phải đứng thật vững, nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi dàn bừa coi như thua cuộc.


Trên đường đua, các cặp bò kéo theo bừa dũng mãnh xé nước lao đi là một trong những hình ảnh hấp dẫn nhất của văn hóa Tây Nam Bộ.



Tất cả niềm khao khát chiến thắng thiên nhiên, chinh phục đất đai khai hoang phục hóa, yêu lao động, làm giàu bằng sức người và ý chí thể hiện cả ở đó.


Sau mỗi lần đua, các chú bò được chủ chăm sóc đặc biệt bằng cách đấm bóp "mát-xa" hay ăn chanh tiếp nước.


Hội đua bò tổ chức vào dịp diễn ra lễ Sel Dolta - “lễ cúng ông bà” vào tháng 10 hàng năm, một lễ quan trọng với người Khmer Phật giáo Nam Tông An Giang và Nam Bộ.


Lễ hội luôn hút hàng vạn du khách đến theo dõi và cổ vũ và đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch. Quan trọng hơn, lễ hội đã góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer.

.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực