Lễ kết nghĩa anh em dân tộc Ê Đê và Tà Ôi

Thứ tư, 29/03/2017 23:21
(ĐCSVN) – Lễ kết nghĩa anh em là một nét đẹp văn hóa trong đời sống của hai dân tộc Ê Đê và dân tộc Tà Ôi, nó thẩm thấu các giá trị truyền thống, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng sâu sắc và góp phần làm cho bức tranh văn hóa Việt thêm đa dạng, lung linh sắc màu.

Trong  các hoạt động tháng 3 có chủ đề “Màu áo xanh”, diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đậm bản sắc truyền thống các dân tộc anh em trên nhiều vùng miền đất nước, trong đó Lễ kết nghĩa của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk và dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một điểm nhấn của Chương trình. 

Lễ kết nghĩa anh em được dân tộc Ê Đê và Tà Ôi trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa tốt đẹp, với mong muốn mọi người sống chan hòa, thân thiết, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp. 

Nghi lễ diễn ra tại khu vực nhà dài của dân tộc Ê Đê. Để tiến hành nghi lễ, dân làng đã chuẩn bị các vật phẩm lễ gồm: 1 ché rượu cần, 1 con gà trống, 2 chiếc vòng đồng, 1 cây kơ nia. Trong các vật phẩm không thể thiếu cây nêu - biểu tượng tín ngưỡng của hai dân tộc Ê Đê và Tà Ôi. Con gà được coi là vật chứng cho lễ, ché rượu là cầu nối giữa con người với thần linh, để mời các vị thần linh và tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa hai dân tộc. 


Già làng Ama Loan, dân tộc Ê Đê, chủ trì lễ kết nghĩa anh em.

Lễ kết nghĩa anh em được tổ chức cho hai người đại diện cho hai dân tộc 
là anh H'Ruyn Niê (dân tộc Ê Đê) và chị Viên Thị Loan (dân tộc Tà Ôi).
 
Chủ lễ trong trang phục truyền thống, mặt quay về hướng Đông 
đón ánh sáng tinh túy mặt trời và trang nghiêm thực hiện nghi lễ.

Chủ lễ trao vòng đồng, tín vật thủy chung giữa hai người kết nghĩa. 

Theo phong tục Ê Đê, hai người kết nghĩa được chủ lễ mời uống rượu trước. 

… tiếp đến chủ lễ mời cha và mẹ của hai người kết nghĩa tỏ lòng thân thiết. 

Sau đó tới những người trong gia đình và những người chứng kiến. 

Kết thúc nghi lễ trong nhà, chủ  lễ cùng hai người kết nghĩa và mọi người ra sân trồng cây Kơ nia. Với mỗi người dân Tây nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng, cây Kơ nia có ý nghĩa rất quan trọng, họ coi cây Kơ nia là nơi trú ngụ của thần linh. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, rễ sâu, chịu được hạn hán nên được chọn làm biểu tượng cho tình anh em bền chặt, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Tiếp đó, mọi người di chuyển đến nhà dân tộc Tà Ôi để làm lễ thông báo cho Yàng và tổ tiên biết rằng hôm nay đại diện hai nhà Tà Ôi và nhà Ê Đê đã kết nghĩa và trở thành anh em một nhà; từ đây sẽ cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, hoạn nạn có nhau. 

Sau phần lễ, ở phần hội, cộng đồng các dân tộc sẽ cùng nhau giao lưu, múa hát những bài ca truyền thống, thưởng thức ẩm thực mừng hai người con dân tộc Ê Đê và Tà Ôi đã trở thành người một nhà./.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực