Kiêu Kỵ: Lấp lánh nghề xưa

Thứ tư, 28/08/2019 17:25
(ĐCSVN) - Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm - Hà Nội) hình thành từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Người có công gây dựng và truyền nghề được người dân Kiêu Kỵ tôn làm tổ nghề tại làng là ông Nguyễn Quý Trị.

Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ xưa nhằm cung ứng vật liệu trang trí sơn son thiếp vàng cho các công trình kiến trúc của vua chúa và các đền, chùa, điện ở kinh đô Thăng Long. Để tìm hiểu nghề đặc biệt này, chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của nghệ nhân Lê Bá Chung, người có nhiều công lao gìn giữ và phát triển nghề dát vàng quỳ ở làng Kiêu Kỵ.

Nghệ nhân Lê Bá Chung chia sẻ: Để làm ra một quỳ vàng 490 lá người thợ Kiêu Kỵ cần trải qua đến gần 40 công đoạn khác nhau. Một thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành 980 lá vàng có diện tích hơn 1m2. Đặc biệt khi làm người thợ phải luôn đập đều tay trên 400 nhát búa, không ngơi nghỉ trong khoảng một giờ. Nếu ngơi nghỉ một chút lá quỳ sẽ nguội dần và công việc này lại phải thực hiện lại từ đầu.

Được biết, hiện phương pháp đập mỏng vàng thủ công này chưa có ngành công nghiệp nào làm được, Kiêu Kỵ đang là làng nghề duy nhất trong cả nước làm nghề này.


Trải qua bao thăng trầm, người dân Kiêu Kỵ vẫn gìn giữ nghề cổ truyền.


Nghệ nhân Lê Bá Chung thực hiện một công đoạn dát sản phẩm.


Từ những thỏi vàng, hay bạc thật được các nghệ nhân đập cho dài và mỏng (đập diệp)
có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ.


Tiếp đó những miếng quỳ được xếp thành tập và đem đập tiếp.


Đây là khâu đập cuối cùng để có những miếng quỳ hoàn chỉnh. Vì vậy, đòi hỏi người thợ
có tay nghề cao khi vừa đập, vừa phải kết hợp xoay đều những lá quỳ để cho vàng
trải đều ra các góc và tạo nên độ mỏng nhất, không bị rách và vuông vắn.


“Trại quỳ” là công đoạn người thợ phải bóc tách từng miếng thành phẩm mỏng tang
rồi ép vào giấy dó để vàng không dính vào nhau và không vỡ vụn.


Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay và nhẹ nhàng.


Những lát vàng mỏng được xếp trên giấy dó.


Những gói quỳ thành phẩm sau khi trải qua các công đoạn ráp miếng.


Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm quỳ vàng ra các tỉnh, thành trên cả nước,
Kiêu Kỵ còn phát triển mạnh nghề dát vàng trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.


Các sản phẩm được dát vàng qua bàn tay của các người thợ làng Kiêu Kỵ.



Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ nay đã trở lên rất nổi tiếng và được sử dụng ở nhiều nơi,
trang trí những công trình tâm linh như hoành phi, câu đối cho đến những pho tượng,
tạo nên vẻ đẹp sang trọng và lấp lánh.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực