Gìn giữ nghề cũ, nét xưa

Thứ sáu, 13/09/2019 10:52
(ĐCSVN) - Vào dịp Tết Trung thu, trên con phố cổ Hàng Quạt lại nhộn nhịp tiếng gõ, đục đẽo của các gia đình làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Tết xưa, nghề cũ vẫn lưu dấu một nét truyền thống đẹp của Hà Thành xưa.

Theo phong tục người Việt, Tết Trung thu là Tết của trẻ em hay còn gọi là Tết trông Trăng, diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch - ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Chính vì vậy, trẻ em rất mong chờ đến ngày này vì thường được tặng đồ chơi thủ công, rước đèn trung thu… đặc biệt được phá cỗ ăn bánh nướng, bánh dẻo. Để có được những chiếc bánh thơm ngon với mẫu mã hình thù đa dạng, bắt mắt chính là nhờ đến bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo ra những chiếc khuôn đó.

Để hiểu hơn về nghề làm khuôn bánh trung thu cổ truyền, chúng tôi tìm đến cửa hàng của ông Phạm Văn Quang, trên phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), người đã gần 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn bánh, khuôn xôi, oản...

 

Ông Phạm Văn Quang - người đã 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn bánh Trung thu.

Ông luôn trân trọng và có ý thức lưu giữ nghề cũ, nét xưa...


Ông Quang cho biết “Trước đây ở Hà Nội, bánh nướng, bánh dẻo không được bán rộng rãi như bây giờ, hồi đó là thức quà xa xỉ lắm. Hầu như chỉ những người ở Hà Nội mới mua được, về quê để thắp hương ông bà tổ tiên vào dịp Tết Trung thu”.


Theo ông Quang, để làm ra một chiếc khuôn bánh trung thu phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, là lựa chọn gỗ làm khuôn thường là gỗ thị hay gỗ xà cừ có độ bền, dẻo dai, bởi gỗ ít bị cong vênh. Từ gỗ nguyên khối, người thợ cắt, xẻ thành khuôn theo kích thước yêu cầu của khách hàng, sau đó mới thực hiện các công đoạn khác.


Công đoạn đục họa tiết là công đoạn khó nhất bởi phải làm thủ công hoàn toàn bằng tay, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và khéo léo trong từng chi tiết. Đây chính là yếu tố để chiếc bánh thành phẩm có đẹp hay không.


Sau khi đã hoàn thiện đục đẽo họa tiết, người thợ sẽ dùng đất sét đóng vào khuôn như bánh thật để kiểm tra xem khuôn đã chính xác hay chưa, thừa thiếu chi tiết gì để khắc phục.


Cuối cùng là công đoạn dùng giấy nhám đánh mịn bề mặt khuôn để cho người tiêu dùng dễ dàng cầm nắm và sử  dụng.


Bộ dụng cụ làm khuôn bánh trung thu gồm nhiều kích thước,chủng loại khác nhau tùy thuộc vào từng mẫu mã khuôn.


Với đôi bàn tay khéo léo, người thợ giữ nghề cổ Hà Nội chế tác ra những chiếc khuôn bánh trung thu tinh tế, sinh động.


Phần lớn khuôn bánh được làm thủ công, đục đẽo bằng tay. Thông thường một người thợ có tay nghề một ngày làm được từ 5-6 khuôn bánh. Cá biệt với những khuôn họa tiết cầu kì thì phải làm mất nguyên một ngày/ cái.


Hình ảnh chú cá chép trên những khuôn bánh và còn rất nhiều mẫu mã khác với nhiều hình đa dạng.


Những khuôn bánh trung thu kiểu truyền thống được nhiều người ưa chuộng.


Hàng trăm chiếc khuôn gỗ thủ công, không có bất kỳ cái nào giống cái nào. Cùng là một hình, những đường vân, độ nông sâu tạo cho mỗi chiếc khuôn có những nét riêng biệt.


Là người giữ nghề cổ của đất Hà Thành cùng lòng hiếu khách, khiến ông Quang rất đông khách từ Sài Gòn, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… thậm chí ở nước ngoài đến đặt hàng.


 Giá trị từng sản phẩm khuôn bánh dao động từ 150-300 nghìn tùy từng kích cỡ. Những khuôn có họa tiết cầu kì có thể lên đến vài triệu đồng.

.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực