Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia - Hương án đá hoa sen gần 700 năm tuổi

Thứ sáu, 21/09/2018 11:57
(ĐCSVN) - Trải qua thăng trầm lịch sử, Hương án đá hoa sen tạo tác năm 1432, tại thôn Bến, xã Khám Lạng (Bắc Giang) đang lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lâu đời của người Việt. Hiện vật độc bản này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015.

Chùa Khám Lạng tại thôn Bến, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT ngày 2/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ngôi chùa là nơi bảo lưu nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị lịch sử văn hóa, tiêu biểu là chiếc Hương án đá hoa sen thời Lê Sơ chạm khắc năm 1432.

Hiện vật độc bản này được tạo tác ngay sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh (1428) tức là sau 4 năm đất nước giành được độc lập. Dù ở bối cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh, chịu nhiều mất mát nhưng ngay từ khi có chủ quyền, nhân dân ta đã bắt tay vào khôi phục đất nước, không ngừng sáng tạo văn hóa nghệ thuật, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống. Hương đá chùa Khám Lạng là thông điệp lịch sử về sức sống trường tồn của văn hóa dân tộc, sự tiếp nối mạch nguồn sáng tạo của cha ông, và sự tiếp thu kế thừa tinh hoa văn hóa thời Lý -Trần.

 

Hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng được các nghệ nhân dân gian tạo tác từ đá. Kích thước dài 3,12 m, rộng 1,4 m,
cao 1,2 m với ba phần chính: Mặt hương án, hương án và chân đế hương án. Mặt hương án được ghép
bởi các phiến đá xanh, các đề tài trang trí được chạm khắc hoa văn tập trung ở xung quanh thân hương án.

 

Nhìn tổng thể hương án có dáng như một tòa sen lớn, bốn mặt bệ đá có tạc ba tầng cánh sen lớn xếp đan chéo nhau,
phía trước mỗi lớp gồm 16 cánh sen. Các cánh sen có chạm các móc mây, ở mu cánh sen có chạm các chấm tròn
tạo các hạt cườm nổi xếp hình chữ thập.

 

Xung quanh hương án chạm các hình vân mây, hình hoa văn sóng nước trải đều. Ở phần giữa thân hương án,
hai mặt chính trước sau có 6 ô hình chữ nhật, tạc 6 con rồng. Hai mặt bên đầu hồi tạc mỗi đầu một con rồng.
Bên cạnh lại có một ô nhỏ hơn tạc hình hoa cúc dây.

 

Rồng chạm ở hương án là loại rồng yên ngựa, đầu rồng có bờm lửa, tư thế bay được thể hiện cách điệu, khoáng đạt.
Trước đây các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, rồng yên ngựa chỉ có ở thời Lê Mạc (thế kỷ XVI) nhưng việc phát hiện
ra những con rồng chạm ở hương án đá chùa Khám Lạng cho thấy rồng yên ngựa có niên đại sớm hơn
và hiện chỉ tìm thấy ở ngôi chùa này.

 

Hình tượng rồng chạm khắc tinh tế mang nét văn hóa thời Lý - Trần trên những bức trang trí đầu hồi hương án.

Bên thân bệ bên phải có khắc dòng chữ: “Thuận Thiên ngũ niên - Nhâm Tý niên - Khám xã, Hạ phẩm, Lưu Khụ, thê Đỗ Xú”. Dịch là năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ năm (đời vua Lê Thái Tổ năm 1432), ông Lưu Khụ vợ là Đỗ Xú, hàng Hạ phẩm ở xã Khám Lạng; qua đó, xác định Hương án đá chùa Khám Lạng được tạo lập vào năm 1432.

 

Kỹ thuật ghép đá thành khối trên hương án. Trên mặt các phiến đá xanh còn chạm nổi hình mây tản, phối trí và cụm vân mây điểm ở ba vị trí giữa chân đế và hai góc chân đế. Giữa các cạnh có trang trí các đường bo gờ tạo sự cân đối hài hòa.

Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật các đề tài chạm khắc trên Hương án đá chùa Khám Lạng còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Những hình chạm khắc hoa sen, hoa cúc biểu tượng cho sức mạnh nhà Phật, hình rồng biểu trưng cho vương quyền, các họa tiết trang trí hình sóng nước phản ánh văn hóa vùng sông nước, vùng biển; qua đó, phản ánh sự giao thoa văn hóa vùng miền, sự phát triển Phật giáo và Nho giáo ở giai đoạn này.
Theo đánh giá các nhà nghiên cứu, nước ta hiện có nhiều hiện vật, di vật, cổ vật điêu khắc đá nhưng
Hương án đá chùa Khám Lạng là hiện vật độc bản có hình thức, nội dung độc đáo và hiếm thấy ở Việt Nam.

 

Có thể nói, Hương án đá chùa Khám Lạng là một tác phẩm nghệ thuật điển hình chứa đựng
nhiều thông điệp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của dân tộc ta thời Lê sơ thế kỷ XV./.
Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực