Chiêm ngưỡng 16 bảo vật quốc gia lần đầu tiên được trưng bày

Thứ sáu, 13/01/2017 00:27
(ĐCSVN) – Từ ngày 10/1, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), 16 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc lần đầu tiên được ra mắt công chúng trong và ngoài nước.


Đây là những bảo vật quý giá bậc nhất trong khối gần 20 vạn tài liệu, hiện vật
mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm, lưu giữ được giới thiệu tới công chúng. 

Tập thơ “Nhật ký trong tù”, gồm 133 bài thơ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm 1942 – 1943, trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ ở Quảng Tây (Trung Quốc).  Xuyên suốt tập thơ là hình ảnh “đại trí, đại nhân, đại dũng” của Bác, một nhà cách mạng tràn đầy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng quyết tâm đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Sách "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc, hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan tới cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 – 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và chuyển về nước. "Đường Kách mệnh" được nhìn nhận là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam. 

Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, gắn bó với cuộc đời hoạt động của Bác. 

Trống đồng Ngọc Lũ, chất liệu đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2000 - 2500 năm. Trống được phát hiện tại xã Như Trác, huyện Lý Nhân, sau được chuyển về thờ tại đình làng Ngọc Lũ, Hà Nam. Tháng 4 năm 1903, trống được Viện Viễn Đông bác cổ sưu tầm, từ năm 1958 đến nay được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trống có hoa văn trang trí vô cùng hoàn hảo, tinh mỹ, các mô típ trang trí trên trống tả thực cảnh đời sống vật chất, tinh thần, tư duy khoa học và thế giới quan xã hội đương thời. Đây là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho tài năng sáng tạo của người Việt cổ, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. 

 

“Cây đèn đồng hình người quỳ”, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000 – 2.500 năm,
hiện vật khảo cổ tại khu mộ gạch cổ Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa năm 1935. 
 Hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn. 

Mộ thuyền Việt Khê, thuộc văn hóa Đông Sơn. Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, còn được gọi là mộ thuyền, có kích thước lớn nhất trong số những ngôi mộ cùng loại đã phát hiện ở Việt Nam. Bên trong mộ chứa 109 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, bao gồm các loại hình vũ khí, nhạc khí, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt. 

Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn, thuộc văn hóa Đông Sơn, khai quật tại di tích khảo cổ học Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa năm 1929. Đây là pho tượng sinh động nhất trong hệ thống tượng tròn Đông Sơn, không chỉ là bằng chứng về một loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đã được khởi nguồn từ văn hóa Đông Sơn, mà còn phản ảnh đời sống tinh thần phong phú, sự lạc quan, yêu đời cũng như trình độ đúc đồng đỉnh cao của người Việt cổ. 

Thạp đồng Đào Thịnh, phát hiện tại bờ sông Hồng thuộc xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái năm 1960. Di vật tiêu biểu sau trống đồng và chủ yếu chỉ xuất hiện trong phạm vi phân bố của nền văn hóa Đông Sơn. Thạp có kích thước lớn, hoa văn trang trí phong phú, tinh mỹ, độc đáo. Trên nắp thạp có gắn đối xứng tâm 4 khối tượng nam nữ đang giao hoan, loại tượng mới gặp duy nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. 

Môn hạ sảnh ấn, thời Trần (1377), phát hiện năm 1962 tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. 

Thống gốm hoa nâu, thời Trần (thế kỷ 13-14), phát hiện tại đền Trần (thôn Từ Mạc, phường Lộc Vượng, Tp Nam Định) năm 1972. Một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hoàn hảo nhất trong những đồ gốm hoa nâu đời Trần đã phát hiện. Đây là bằng chứng về khả năng, kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác đỉnh cao của các nghệ nhân gốm đương thời. 

Ấn "Sắc mệnh chi bảo" có núm hình rồng cuốn. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán: "Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền" (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền - khoảng 8,3kg) và "Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo". (Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8 - 1827). Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện "Sắc mệnh chi bảo". Hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong bộ sưu tập kim bảo triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 

Ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" đúc thời Lê Trung Hưng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709).
Đến đời vua Gia Long (1802 - 1819), bảo vật này được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn. 

Trống đồng Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh (năm 1800). Hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam, có tạo hình mô phỏng theo kiểu trống da truyền thống. Các dòng lạc khoản khắc trên thân cho biết trống được đúc vào tháng 4 nhuận năm Cảnh Thịnh thứ 8 thời Tây Sơn (1800), tại Chùa Cả (Linh Ứng tự), tức Chùa Nành, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay. 

Ngoài các hiện vật trên, đợt trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn giới thiệu đến công chúng những bảo vật như: bia Võ Cạnh, thuộc văn hóa Chămpa, thế kỷ 3 – 4; chuông chùa Vân Bản, thời Trần, thế kỷ 13-14; bình vẽ Thiên Nga thời Lê sơ, thế kỷ 15; bia điện Nam Giao, thời Lê Trung Hưng (1679)…Đây đều là những bảo vật vô cùng quý giá.

Chuyên đề trưng bày bảo vật quốc gia diễn ra đến tháng 5/2017./.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực